thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

 

Số 17  - Tháng 11/2009

 


 

 An ninh

 Cao Huy Thuần
 

 

 Chút lý thuyết

 Bàn về an ninh trong quan hệ quốc tế, cho mãi đến gần đây khuynh hướng có phần chiếm ưu thế là đồng hóa an ninh với quốc phòng, định nghĩa an ninh như là khả năng có thể ngăn chận được các cuộc xâm lược vũ trang đến từ bên ngoài. Cách nhìn này xuất phát từ lý thuyết được gọi là duy thực, theo đó nổi cộm trong các quan hệ quốc tế, trên thực tế là sức mạnh và tiềm năng quân sự của các quốc gia. Trên tiêu chuẩn sức mạnh đó, ta có thể xếp hạng các quốc gia trên thế giới - nhược tiểu, trung cường, bá chủ, siêu cường… - cũng như nghiên cứu chiến lược của các quốc gia để tạo chiến tranh, để bảo vệ chủ quyền - thế liên minh, thế cân bằng lực lượng, thế trung lập, thế phi liên kết, thế môi hở răng lạnh, thế hữu nghị, thế đoàn kết anh em v.v… Với cách nhìn đó, quốc gia là chủ thể trên bàn cờ quốc tế và an ninh là nghề của hai chàng, chàng ngoại giao và chàng đánh đấm, chàng này đánh, chàng kia đàm. Đánh và đàm, quan hệ quốc tế chủ yếu là như thế: là hòa bình và chiến tranh.

Lúc nhỏ, ta cũng học lịch sử như thế, toàn là anh hùng và trận mạc. Lớn lên với chiến tranh lạnh, lại chạm trán với bom nguyên tử và hai khối, trong đầu lúc nào cũng sừng sững bức tường Bá Linh, trước mắt thì ầm ầm B52 củng cố vĩ tuyến. Đâu đâu chúng ta cũng thấy phô trương sức mạnh quân sự như là yếu tố hàng đầu trong việc đo lường sức mạnh quốc gia? Có lý thuyết nào ăn đứt được lý thuyết duy thực!

Thế rồi chiến tranh lạnh chấm dứt, bom đạn rút lui, nhường mặt tiền sân khấu cho thương mãi, hàng hóa, sản xuất, kinh tế. Đe dọa quân sự im lắng, nhưng rất nhanh một loạt hiểm nguy khác xuất hiện, bất kể biên giới quốc gia, bất cần phân biệt lớn nhỏ mạnh yếu, đe dọa đến từ bên trong các nước, trong dân chúng, trong xã hội như: bệnh dịch, môi trường, khủng bố, ma túy… Quan tâm về an ninh, do đó, chuyển từ bên ngoài các quốc gia vào bên trong các xã hội, nới rộng khái niệm an ninh cổ điển sang đến các cá nhân, các xã hội, biến an ninh xã hội thành đối tượng tranh chấp, đối tượng nghiên cứu trong quan hệ quốc tế.

Tác giả đầu tiên nâng an ninh xã hội lên thành một đối tượng nghiên cứu độc lập và biệt lập với an ninh quốc gia là Barry Buzan. Để làm như vậy, trước tiên ông phải định nghĩa “xã hội” là gì. Ông viết: “Chìa khóa để hiểu xã hội là những ý nghĩ và tập quán đồng hóa các cá nhân như là thành phần của một nhóm xã hội. Xã hội là liên quan đến bản sắc, liên quan đến quan niệm về mình của các cộng đồng và của các cá nhân tự đồng hóa mình như là thành phần của một cộng đồng.[1]

Trong định nghĩa đó, bản sắc là khái niệm cốt tủy. Vì sao? Vì di dân đã trở thành một thực tại quốc tế ngày nay, và, dưới mắt các xã hội nhập cư, di dân đe dọa bản sắc của dân tộc tiếp quản. “Xã hội, tận căn bản, là liên quan đến bản sắc”, ông nhắc lui nhắc tới.[2]  Và “an ninh xã hội liên quan đến khả năng trường tồn của một xã hội phù hợp với đặc tính căn bản của xã hội ấy khi hoàn cảnh thay đổi”.[3]

Bản sắcdi dân: quả thật đó là quan tâm hàng đầu hiện nay về an ninh ở Âu Mỹ sau khi các mối đe dọa về chiến tranh đã phần nào lắng dịu. Tại Mỹ, vấn đề di dân đã được đặt ra từ lâu, nhất là đối với việc nhập cư bất hợp pháp từ Mêhicô, nhưng gần đây người Mỹ lại có thêm lo ngại nữa từ thế giới Hồi giáo sau sự cố 11-9. Tại Âu châu cũng vậy, đồng hóa dân ngụ cư đến từ các nước Ả Rập-Hồi giáo là chuyện nan giải, chưa đâu làm được, trong khi giới cực hữu tha hồ khai thác mối sợ hãi bàng bạc trong dân chúng. Nhưng hiện tượng di dân đâu phải chỉ đe dọa Mỹ với Âu! Ở nhiều nơi khác, tình trạng còn thực sự trầm trọng hơn nữa, trầm trọng đến mức báo động, nhất là khi việc di dân là quốc sách của một nước tạo mọi điều kiện để gửi dân họ đi. Cứ nhìn tỉ lệ người Hán ở Tây Tạng ngày nay thì biết.

Buzan mở đầu cho cả một trào lưu nghiên cứu mới hiện nay, đặt trọng tâm trên an ninh xã hội thay vì an ninh quân sự trong quan hệ quốc tế. Trường phái mà ông hướng dẫn - được gọi là “trường phái Copenhagen” - đưa ra nhiều ý tưởng mới lạ. Chẳng hạn trong tương quan giữa di dân và chính sách an ninh của các nước, trường phái Buzan vạch ra hai yếu tố quan trọng: sự khác biệt giữa các quốc gia và việc an ninh hóa những vấn đề chính trị.

Về điểm thứ nhất, ai chẳng biết các quốc gia vốn khác nhau về mọi mặt, nhưng cách nhìn của Buzan không phải là nhìn từ bên ngoài các quốc gia như phái duy thực từng chủ trương, mà từ bên trong mỗi quốc gia để phân biệt văn hóa, ý thức hệ, chính thể… Mỗi quốc gia mỗi khác, nhưng điểm khác biệt căn bản nhất phải xét đến là sự vững chắc, gắn bó, đoàn kết về xã hội, chính trị vìan ninh trường tồn của một quốc gia nằm ở chỗ đó. Tiêu chuẩn để phân biệt giữa quốc gia “mạnh” và “yếu” cũng đặt trọng tâm ở đó: một quốc gia “mạnh” là quốc gia có nhiều khả năng đối đầu với những đe dọa về an ninh hơn một quốc gia “yếu”.

Về điểm thứ hai, vì mỗi quốc gia mỗi khác như vậy, nên bản chất của vấn đề an ninh cũng thay đổi tận căn bản từ quốc gia này qua quốc gia kia, không phân biệt yếu mạnh. Nói cách khác, không thể có một định nghĩa chung cho tất cả các quốc gia về vấn đề an ninh, mỗi quốc gia tự định nghĩa lấy khi chạm mặt với những vấn đề cụ thể. Điều đó có nghĩa rằng không thể định nghĩa các luồng di dân như là một vấn đề an ninh có cùng và có sẵn những biện pháp đối phó giống nhau bất kể nơi đâu. Ngay cả chuyện di dân, có thể nước này xem đó là một vấn đề an ninh mà nước kia thì không. Bởi vậy, định nghĩa di dân có phải là quan tâm an ninh hay không còn tùy thuộc vào sự an ninh hóa vấn đề di dân. An ninh hóa có nghĩa là một vấn đề được trình bày như là một đe dọa liên quan đến chính sinh mạng, đòi hỏi phải có những biện pháp cấp bách, tương ứng, khác với những vấn đề chính trị bình thường. Vấn đề đó có thực hay không, không phải là chuyện đáng xét; chuyện đáng xét là vấn đề đó được trình bày như là một đe dọa liên quan đến sinh mạng và vận mệnh của cả một dân tộc.

Điều này hàm chứa ba kịch bản khác nhau. Một, là các nhóm xã hội trong một nước xem một cộng đồng di dân nào đó như là đe dọa trong khi các nhóm khác thì không nghĩ như thế. Hai, là cộng đồng di dân nào đó không tạo nên một đe dọa gì thực sự cho nước di trú, nhưng những nhóm xã hội nào đó trong nước ấy thuyết phục được mọi người xem đó như là đe dọa. Ba, là cộng đồng di dân nào đó thực sự là một đe dọa, nhưng nhà cầm quyền, vì lý do gì gì đó, cứ nguây nguẩy nói không, nghĩa là từ khước, không chịu an ninh hóa.

Từ bên ngoài đi vào, di dân có thể gây bất ổn an ninh cho xã hội bên trong một nước nếu nước ấy thiếu bền vững xã hội; bất ổn ấy, nếu giải quyết không xong, không những loạn xảy ra ở bên trong mà còn có cơ tuôn ra bên ngoài để trở thành tranh chấp quốc tế. Do đó, muốn nghiên cứu vấn đề di dân, không thể không nhìn tầm cỡ của nước gửi dân đi, vị thế của nước đó trên thế giới, chính sách của nước đó, quan hệ của nước đó với nước tiếp quản. Di dân là vấn đề an ninh số một trong nghiên cứu quan hệ quốc tế ngày nay. Buzan và trường phái Copenhagen trở thành sách giáo khoa trong giới đại học.

Tóm tắt lý thuyết như thế này, tôi biết là quá sơ sài, nhưng tôi đâu có muốn bàn ở đây chuyện di dân ở Âu Mỹ xa xôi? Tôi hạn chế vấn đề vào các nước sát nách chúng ta thôi, nhưng tôi phải trình bày chút lý thuyết như vậy bởi vì, như vừa nói, nước di dân ở trên đầu chúng ta có vai vế quốc tế quá chóng mặt, không thể không nhìn di dân từ nước ấy mà không xét đến chính sách của họ trên bình diện quốc tế. Các anh chị biết tôi muốn nói gì rồi.

 

Nói chuyện ở xa 

Vâng, sách vở nào bây giờ cũng đều nói đến chuyện ấy nhàm tai: cùng với phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng năng lượng, sức mạnh mềm của Trung Quốc đang tỏa ra khắp thế giới, trên mọi lĩnh vực, chính trị, ngoại giao, quân sự, kinh tế, công nghệ, buôn bán vũ khí, viện trợ, y tế, thương mãi, du lịch, văn hóa, và nhất là văn hóa. Riêng về lĩnh vực xã hội mà chúng ta đang bàn ở đây, sách vở nói: vì Trung Quốc đã trở thành tay đầu tư quốc tế, tay lái buôn quốc tế, chính phủ họ không những dẹp bỏ những hạn chế về di dân trong nội địa mà còn làm dễ dàng việc xuất ngoại của dân chúng để kinh doanh, để du lịch. Hàng loạt, hàng loạt doanh nhân được khuyến khích đi ra nước ngoài đầu tư, hàng loạt, hàng loạt công ty được mở ra ở ngoại quốc, hàng loạt, hàng loạt công nhân đi theo, hàng loạt, hàng loạt du khách xỉa răng trên mọi đường phố.

Di dân… Có bao giờ nước Trung Hoa ngớt di dân trong lịch sử đâu, nhưng di dân ngày nay không phải như trước: ngày nay người Trung Quốc di dân hàng loạt. Ước tính của các tổ chức lao động là công nhân Trung Quốc nhập biên các nước ngoài tăng mỗi năm khoảng 20%, phần đông “hề” một tiếng như Kinh Kha vượt sông Dịch, “tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”. Con số chính xác thì khó có và khó biết đúng sai, nhưng tạm ghi về khuynh hướng tăng vọt ở Phi châu, nơi Trung Quốc đang tìm mọi cách hốt năng lượng, nhiên liệu: 24.000 ở Sudan năm 2004, gấp ba so với những năm trước; 50.000 ở Nigeria, so với 2000 năm 2001; 300.000 ở Nam Phi.[4] Mới đây, nhân một vụ đụng độ giữa di dân Trung Quốc với người bản xứ ở Alger, báo Le Monde đưa ra con số 50.000 công nhân Trung Quốc đóng đô ở đấy.[5] Cũng vậy, máu tham hễ thấy hơi dầu thì mê: con số cũng tăng vọt ở Nam Mỹ: 60.000 ở Peru, chưa kể hậu duệ của công dân Peru gốc Hoa còn đông hơn thế nhiều lắm; 50.000 ở Venezuela; 100.000 ở Brazil; 30.000 ở Mêhicô; 7000 ở Columbia. Thống kê ở Canada ghi: năm 2001, hơn 1 triệu dân gốc Hoa sống trong nước.[6] Riêng con số lấy được ở cái xứ nhỏ Costa Rica thì vừa chính xác lại vừa lý thú về nhiều mặt, trước hết là mặt phụ tình. Giống như các nước châu Mỹ la tinh khác, Costa Rica chăn gối với Đài Loan ngót 63 năm, vậy mà bây giờ bứt ra thiếp phụ chàng, thiết lập ngoại giao chính thức với Bắc Kinh từ tháng 6-2007. Thương mãi giữa hai bên đã tăng gấp 10 lần, Đài Loan đọ hết nổi, mất pháo đài đầu tiên ở Nam Mỹ, điểm nhắm của Bắc Kinh. Ân nghĩa sòng phẳng, Trung Quốc ký hiệp ước vào tháng 5-2008 cho không 10 triệu đô la tiền mặt, hứa cho thêm 72 triệu nữa để xây một sân vận động mới toanh và mang qua… 800 công nhân Trung Quốc để thực hiện công tác đó. Con số 800 tuy khiêm tốn, nhưng ôi, tiêu biểu biết bao cho cả một đại chính sách đang được triển khai và áp dụng khắp nơi.[7]

Ở Costa Rica, mục tiêu của Trung Quốc, ngoài kinh tế, còn là chính trị: phá vỡ phòng tuyến của Đài Loan, phất cao ngọn cờ Trung Quốc là một“. Ở các vùng khác, mục tiêu đó không có, nhưng mẫu mực viện trợ, mậu dịch, đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế đều giống nhau. Ví dụ ở Angola, cùng với Sudan và Nigeria, Angola là đối tượng dầu hỏa ở Phi châu mà Trung Quốc nhắm, nhưng Angola khác Sudan ở chỗ nước này bị quốc tế cấm vận, các công ty phương Tây bỏ rơi, nên Trung Quốc vẫy vùng như giữa chốn không người, còn ở Angola họ phải cạnh tranh ráo riết. Bởi vậy, Trung Quốc phải thòi ra cả một đống cao đơn hoàn tán, từ ngoại giao đến cho vay, với những thủ thuật mập mờ, chẳng ai biết rõ chi tiết. Bắt đầu từ 2004, Ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc (Exim Bank) cho Angola vay 2 tỷ Mỹ kim một cách dễ dàng để tái thiết cơ sở hạ tầng bị phá hủy bởi chiến tranh. Trung Quốc đã gãi đúng chỗ, vì đó là lúc Angola đang ngứa tiền trong khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì buộc phải minh bạch kinh tế và cải cách chính trị mới cho vay. Đối tác vẫn còn ngứa, Exim hào phóng cho vay thêm một đợt thứ hai 2 tỷ nữa vào tháng 9-2007. Với điều kiện gì? Nhiều công ty Trung Quốc sẽ đến tận nơi để xây dựng, mang theo dụng cụ, trang thiết bị và… công nhân. Bao nhiêu? Hàng chục ngàn! Dân Angola đang thất nghiệp tràn lan nên thèm việc ấy như dân Bắc Kinh hẫu vịt quay.[8]

Nghĩa là gì? Nghĩa là di dân đã thành ra chính sách, hỗ trợ bằng ngoại giao, và chính sách ấy là một bộ phận trong chính sách đầu tư, viện trợ, trao đổi - trong sức mạnh mềm tỏa ra khắp năm châu bốn biển của Trung Quốc. Đường sá, cầu cống, đập thủy điện, trường học, bệnh viện, sân bay… những hạ tầng cơ sở trọng yếu đó của phát triển kinh tế, nhất là ở Phi châu, đã thực hiện với thợ thầy Trung Quốc. Chưa kể những công trình khác, kém cần thiết nhưng oai vang hơn: sân vận động, công thự, toà nhà Quốc hội… Dưới khẩu hiệu “Liên đới, Chủ quyền, Thắng-Thắng”, đầu tư, nhiên liệu, năng lượng, đại công trình bay cùng bầy với nhau như chim một đàn. Vừa xông tay ra để nắm yết hầu của các nguồn năng lượng trên thế giới, vừa phóng việc làm cho hơn 23 triệu nông dân ùn ùn kéo lên thành phố trong nội địa,[9] lại vừa được tiếng là anh em giúp nhau win-win trong các nước kém mở mang, sách vở nói Trung Quốc đang thành công như diều gặp gió!

Ấy là chưa nói đến du lịch, tuy rằng đây không phải là di dân, chỉ là lượng người di chuyển. Bao nhiêu? Con số du khách Trung Quốc đi thăm thú thế giới có thể lên đến 100 triệu vào năm 2015, đông nhất hoàn cầu. Các nước Ả Rập ở Trung Đông đang hí hửng trước cái thị trường khổng lồ ấy. Riêng Ai Cập, con số 35.000 đạt được năm 2005 có thể tăng lên 80.000 trong những năm tới. Báo chí, truyền thông Trung Quốc tung hô khẩu hiệu ngọt như mía lùi: “We're all East”! “Chúng ta đều là Đông phương với nhau”! Tài thế![10]Trong số 100 triệu ấy, ước tính một phần ba thích chọn Đông Nam Á, vừa gần, vừa rẻ, vừa đủ tiện nghi, mọi bộ phận của thân thể đều có dịch vụ tương ứng, cung cấp sung mãn. Thái Lan hy vọng thâu nhận ít nhất 4 triệu mỗi năm từ cuối thập kỷ này.[11]  

Cũng liên quan đến việc di dân kiểu mới, phải kể chính sách đầu tư đất ruộng ở nước ngoài để phòng xa bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Về mặt này, Trung Quốc không làm khác Hàn Quốc, các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Nhật và Ả rập Saudi: năm nước ấy hiện nay chiếm hơn 7,6 triệu hecta đất canh tác ở bên ngoài, nghĩa là tương đương với 5,6 lần diện tích canh tác của nước Bỉ. Với tốc độ thành thị hóa và lượng nước kém dần, đất canh tác càng ngày càng hiếm, sản xuất lương thực có cơ giảm sút trầm trọng. Cho nên Trung Quốc xem việc tậu đất canh tác ở ngoại quốc như một chính sách ưu tiên: ông khổng lồ ấy chiếm 40% tổng số dân sống về canh nông trên thế giới nhưng chỉ có 9%  đất cày cấy được trên hoàn cầu. Năm 2006, Trung Quốc ký nhiều thỏa ước hợp tác canh nông với nhiều nước Phi châu để thành lập 14 nông trường thí nghiệm ở Zambie, ở Zimbabwe, ở Ouganda và Tanzanie. Bao nhiêu nông dân Trung Quốc sẽ đến đấy canh tác? Một triệu vào năm 2010. Khỏi cần thi tuyển sinh vì bao nhiêu nông dân thất nghiệp trong khủng hoảng hiện tại ở Trung Quốc đều sẵn sàng khăn gói lên đường tuốt. Ngôn ngữ chính thức của Bắc Kinh là: giúp các nước ấy tăng gia lượng sản xuất nhờ công nghệ Trung Quốc. Các giống lúa lai mà Trung Quốc chế tạo được sẽ làm tăng năng suất lên 60% so với năng suất trung bình trên thế giới. Có thể lắm. Nhưng chắc chắn một số lượng lớn mùa màng thu hoạch sẽ được xuất khẩu qua Trung Quốc để bảo đảm lượng lương thực trên thị trường.[12] Bảo đảm an ninh về lương thực, hợp tác về canh nông, nhu yếu phẩm đó cũng lộ ra trong các thỏa ước về phát triển ký kết với các nước Nam Mỹ.

Chưa hết. Cặp mắt cú vọ của Bắc Kinh còn đang liếc ngang liếc dọc các miền đất mênh mông còn bỏ hoang của Nga và các nước Trung Á. Đất trống như vậy, sao ta không cho thuê kiếm thêm ít tiền? Lưỡng lự, vì sợ dân phản đối, nhưng rồi Kazakhstan cũng âm thầm cho một công ty liên doanh Trung Quốc-Kazakhstan thuê 7000 héc ta đất để trồng lúa mì và đậu nành. Lập tức 3000 nông dân đang đói việc của Trung Quốc vọt qua biên giới, mang theo dụng cụ canh tác hiện đại hơn, nông dân bản xứ có giận cũng đành chịu. Và đất Nga! Mênh mông vô tận xứ! Dường như trời sinh đất ấy để trồng đậu nành Trung Quốc ! Cách Matxcơva đến 6000 cây số nhưng chỉ cách Bắc Kinh 2000 cây số thôi, hai vùng Khabarovski và Birobidjan đã mang về cho Trung Quốc 420.000 tấn đậu nành trong năm 2008. Còn cả 20 triệu héc ta đất trồng trọt chưa khai thác ở bên kia biên giới, bên này thì thèm đậu nành, bên kia thì thèm tiền thuế, ông Nga chẳng còn gì để phải bận tâm ngoài việc ngồi chơi xơi tiền? Có chứ! Thống kê chính thức của Bộ Nội vụ Nga bóp còi: đã có từ 400.000 đến 700.000 dân Trung Quốc đang an vị trên đất Nga.[13]

 

Nói chuyện sát nách

 Đó là nói về các nước ở xa. Các nước ở sát nách chúng ta thì sao? Xin nói chuyện gần đây nhất.

Dưới tiêu đề: “Á châu: Quản lý bên kia bờ khủng hoảng”, Diễn Đàn Boao đã họp ở Hải Nam trong tháng 4-2009 vớí diễn văn của Ôn Gia Bảo đề nghị các giải pháp để  vượt qua khủng hoảng hiện tại. Trong 5 đề nghị “đẩy mạnh hợp tác giữa các nước Á châu”, hãy đọc nguyên văn đề nghị thứ ba vì đây là nguyên tắc, đường lối, chính sách, là ánh sáng rọi vào mọi áp dụng cụ thể:

 “Đào sâu hợp tác đầu tư và kích thích phát triển kinh tế vùng bằng cách tăng gia đầu tư. Việc phát triển giao thông, điện lực và cơ sở hạ tầng viễn thông ở cấp vùng và dưới vùng phải được thúc đẩy. Ta phải từng bước thực hiện sự liên kết các mạng lưới của các cơ sở hạ tầng đó. Trung Quốc đã quyết định thiết lập Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc - ASEAN trị giá 10 tỷ Mỹ kim để hậu thuẫn cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong vùng. Để khuếch trương đầu tư, các quốc gia phải hành động theo tinh thần mở cửa và cho phép doanh nghiệp của các nước khác hoạt động một cách bình đẳng. Các công ty ở bên trong vùng phải được khuyến khích để hỗ tương đầu tư và gia tăng hợp tác về dịch vụ lao động, và phải tránh không được bắt công nhân nước ngoài hồi cư đông đảo”.[14]

Dưới ánh sáng rạng rỡ đó của câu cuối, bây giờ ta đi vào thực tế ở Lào, ở Miến Điện, ở Campuchia.

Theo thống kê chính thức, 30.000 công nhân Trung Quốc đã nhập vào nước Lào để xây dựng những đại công trình ở đấy. Từ thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam ở phía bắc, con đường số 3 sẽ đâm xuyên qua Luang Nam Tha của Lào, chạy dọc theo sông Mêkông cho đến Houei Xay đối diện với Chiang Khong bên Thái Lan. Nay mai một chiếc cầu sẽ được xây để nối hai thành phố của hai nước. Khi xây xong, đường số 3 sẽ là tuyến giao thông chính nối Trung Quốc với Đông Nam Á. Đó là đường xá cầu cống. Ngoài ra, còn thủy điện, mỏ vàng, mỏ đồng, mỏ sắt, mỏ potasse, mỏ… bô xít. Nhiều đại dự án khác còn hách hơn: sân vận động ở Vientiane cho Thế vận hội Đông Nam Á 2009; 1000 hecta đất đầm lầy cạnh thủ đô được đặc nhượng cho một công ty Trung Quốc để xây một thành phố mới hiện đại, một Chinatown dành cho cư dân và doanh nhân Trung Quốc đến đầu tư; một Nhà văn hóa bề thế đã hoàn thành ở thủ đô; một khải hoàn môn kỳ vĩ cũng đã dựng lên, tô điểm cho công viên Patouxay một kiến trúc Lào độc đáo. Ba mươi ngàn công nhân? Thực tế có thể tăng gấp mười!.[15]

Con số khó chính xác, bởi vì ngoài công nhân còn đủ loại, đủ hạng người Trung Quốc qua Lào làm ăn không khai báo: bước một bước qua biên giới chứ xa xôi gì, vậy là họ có thể đổi đời, vì ở Lào không có cạnh tranh! Họ đến từ đâu? Từ Hồ Bắc, từ Hồ Nam, từ Tứ Xuyên, từ Vân Nam, từ Vũ Hán, từ tận trong nội địa Trung Quốc. Từ đâu cũng vậy, họ mang tên chung: xin yimin, tân di dân. Trong sòng bạc Boten, khách chơi hầu hết là Trung Quốc, nhân viên là Trung Quốc, tiểu thương mở quán chung quanh là Trung Quốc. Là xin yimin tuốt! Cũng vậy, chung quanh Luang Namtha, chạp phô là Trung Quốc, hàng quán mở chợ là Trung Quốc, khai khẩn đất đai là lái đất Trung Quốc được chính phủ Lào cấp đặc nhượng, đất rộng mênh mông, nằm mơ cũng không thấy được một tấc nơi chôn nhau cắt rốn.[16] Ngày trước, “Hoa kiều” chủ yếu đến từ các vùng biển miền nam Trung Quốc, quê hương của phần đông cộng đồng Trung Quốc trên thế giới, tập trung chung quanh 5 họ có ngôn ngữ địa phương riêng: Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam và Khách Gia. Bây giờ, đặc tính của xin yimin là đến từ đường bộ, hầu hết là nghèo mạt, phần lớn là đàn ông dĩ nhiên, phụ nữ độc thân cũng có, vợ chồng trót có hơn một con cũng nhiều: tất cả đều không kiếm được việc làm trên đất mẹ vì cạnh tranh dữ quá. Nếu trên thế giới này còn một chỗ không biết cạnh tranh thì ấy là đất Lào!

Làn sóng di dân này được Bắc Kinh khuyến khích, thúc đẩy, vì qua họ, không những hàng hóa sản xuất từ các tỉnh kém ưu đãi ở miền tây Trung Quốc được xuất khẩu, mà chính cả một vùng biên địa phía dưới Trung Quốc được bảo đảm an ninh vững như bàn thạch khỏi cần lính thú. Cho nên Trung Quốc rót tiền vào Lào, nghiễm nhiên trở thành ông chủ đầu tư số một với 236 dự án trị giá 876 triệu Mỹ kim, so với 3 triệu Mỹ kim năm 1996. Tổng số kim ngạch đầu tư trực tiếp được chính phủ Lào chấp thuận cho đến tháng 8-2007 lên đến 1,1 tỷ Mỹ kim, sát nút với Thái Lan (1,3 tỷ), chưa kể viện trợ tính bằng cho vay không lãi, cho vay đặc biệt.[17]

Công nhân, nông dân, tiểu thương, doanh nhân… thiếu gì nữa? Đồng tiền! Nhân dân tệ cũng di dân! Đánh bạt cả đồng Mỹ kim! Quang cảnh khá ngoạn mục, tôi xin trích dẫn: “Ở miền bắc Lào, tài xế xe vận tải và công nhân Trung Quốc bây giờ dừng chân nơi các quán nước và hộp đêm tạm bợ mọc lên dọc theo đường xe, thường thường là những quán cóc bằng gỗ, mái tôn, mang bảng hiệu chữ Trung Quốc - tất cả đều trả bằng nhân dân tệ”. Bức tranh trở nên sống động hơn, lại xin trích: “Bên trong, các cô gái Lào và Trung Quốc tụm năm tụm ba nơi góc quán, đứng chờ khách kéo ra, trả giá, rồi mang đến các khách sạn hoặc các kho xe nhớp nhúa để làm tình kiểu mì ăn liền”.[18] Chắc cũng trả bằng nhân dân tệ. Thủ tướng Ôn Gia Bảo hoàn toàn có lý khi đòi hỏi, trong điều thứ 5 của bài diễn văn khai mạc Diễn Đàn Boao, “Phải thúc đẩy nhanh chóng việc mở ra một hệ thống tiền tệ quốc tế đa dạng”, nghĩa là không phải chỉ mang cái mặt của ông Hoa Thịnh Đốn trên tấm giấy xanh.

Nước Lào là đất Phật. Dân Lào hiền hòa ai cũng biết. Phát triển kinh tế kiểu này, nói theo tờ báo Le Monde, có cơ “nước Lào trở thành một Tây Tạng thứ hai”.[19]

Vậy mà Lào còn thua Miến Điện một bậc. Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở phía bắc, trước đây là kinh đô của vương quốc, bây giờ trở thành một Tiểu Vân Nam, cư trú Tàu, làm ăn Tàu, xài tiền Tàu, nói tiếng Tàu, lấy chồng Tàu. Bao nhiêu dân Trung Quốc? Hai trăm ngàn?[20] Chỉ biết chắc chắn là con số càng ngày càng tăng, vì gót chân Nam tiến của người Vân Nam càng ngày càng rộn. Khách sạn, tiệm buôn, quán ăn mọc lên như nấm, và phong tục, lễ hội Trung Quốc càng ngày càng ăn sâu vào nếp sống của thành phố.[21] Nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày khai sinh thành phố trong lịch sử, nhà báo Kyaw Yiu Myint tiên đoán: ngày mà vận mạng của Mandalay sẽ nằm trọn trong tay cư dân Trung Quốc và công dân Trung-Miến bày ra trước mắt; ngày đó chắc khỏi phải chờ thêm 150 năm nữa.[22]

Cùng với Mandalay, cả nước Miến Điện “phát triển kinh tế” trong quan tâm chiến lược của Trung Quốc về an ninh năng lượng cũng như về cách khống chế Ấn Độ và cả vùng Đông Nam Á. Miến Điện là nước độn nằm giữa hai ông khổng lồ đang gờm nhau và đang ghiền năng lượng trù phú mới khám phá trong cái nước trổ mặt nhìn Ấn Độ Dương này. Vân Nam và Tứ Xuyên bị khóa trong đất liền, không có lối thông ra biển? Thì ta mượn tạm cái Miến Điện này làm lộ thông thương! Từ những năm đầu 1980, Miến Điện đã được chiếu cố đặc biệt nhờ vị thế thuận lợi đó. Xuyên qua Miến, thông ra biển, hai tỉnh nghèo Vân Nam và Tứ Xuyên sẽ tuôn hàng hóa ra buôn bán được với châu Phi, với Trung Đông, với Tây Á. Nước quá giang đó lại còn quý hiếm cho tàu bè Trung Quốc vì tránh được eo biển Malacca đầy bất an. Cho nên nhu cầu ưu tiên của Trung Quốc là phải làm chủ lối vào các cảng Miến Điện. Bằng chính trị, bằng ngoại giao, bằng quân sự, bằng kinh tế, Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng trên nước này và trở thành  chỗ dựa vững chắc của một chính thể cai trị bằng bạo lực. Đồng thời, Trung Quốc tăng cường kiểm soát trên các vùng dọc theo bờ biển Andaman, án ngự lối vào lối ra của trục Ấn Độ Dương - Malacca bằng việc xây cảng cho hạm đội Trung Quốc tại đây. Ấn Độ lo lắng nhìn chính sách của Trung Quốc đối với Miến Điện và Pakistan như dấu hiệu của một chiến lược bao vây hai vòng: bằng đường thủy và bằng đường bộ.[23]

Về năng lượng, Trung Quốc cũng trên đà thắng thế. Từ tháng 7-2004, trước khi thủ tướng Miến qua thăm Bắc Kinh, Ôn Gia Bảo đã xác nhận tầm quan trọng của khí đốt ở Shwe và tuyên bố sẽ xây một đường ống dẫn khí đốt và một đường ống dẫn dầu: khí đốt sẽ được dẫn từ Shwe đến các tỉnh lục địa mạn tây-nam của Trung Quốc, còn dầu sẽ chuyển từ đường thủy qua đường bộ, chạy xuyên Miến Điện và rót vào Vân Nam. Các đại công trình bắt đầu từ đó, chưa kể việc xây các cảng và việc thăm dò các mỏ khí đốt khác được giao cho các công ty Trung Quốc. Một cảng mới đang được xây ở Kuauk Phyu, có sức nâng những tàu container lớn nhất thế giới. Họ cũng dự tính xây một con đường  để nối cảng này ở phía đông với cảng Sittwe ở phía tây. Các ông tướng quân phiệt Miến Điện sẽ thừa tiền bỏ túi bất chấp Tây phương cấm vận, và công nhân Trung Quốc cũng không thiếu việc làm để cùng hể hả win-win như răng với môi. Đối với các tay đầu tư trục lợi Trung Quốc, Miến Điện đang là thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Cứ xem con số thì thấy: năm 1995, trị giá các dự án đầu tư của họ chỉ vỏn vẹn 20 triệu Mỹ kim; năm 1999, con số đã lên 192,69 triệu nhưng chưa thấm vào đâu so với con số trong khoảng 2000-2005. Bao nhiêu? Hơn 17 tỷ![24] Nghĩa là gì? Là hàng hàng lớp lớp công nhân ta, trăng treo đầu cuốc xẻng, vượt biên làm nghĩa vụ xoá đói giảm nghèo, xoá luôn biên giới, huynh đệ nhất gia mà lị. Bao nhiêu? Bao nhiêu xin yimin có mặt hiện nay tại Miến Điện? Có tác giả ước đoán: một triệu.[25] Chỉ riêng cái đồn điền mía do người Trung Quốc khai thác giữa vùng núi của dân tộc Shan ở phía bắc, giáp giới với thành phố Ruili của Trung Quốc, đã mang vào Miến Điện 5000 công nhân từ bên kia biên giới. Chẳng lẽ Miến Điện thiếu nông dân đến thế sao?[26] Một tác giả khác, cũng chuyên gia về Miến Điện, vuốt trán: “Di dân ngày nay được thực hiện trên một quy mô rộng lớn chưa bao giờ thấy ở Đông Nam Á”. Ngước mắt lên hỏi ông trời: “Di dân cổ điển hay là chiến lược xâm chiếm?”[27]

Lại sát nách với ta, phải kể thêm Campuchia, cũng nằm trong cùng một quan tâm chiến lược. Cũng thế thôi! Trung Quốc đang là nước đầu tư số một, viện trợ số một năm 2008. Con số chính thức do Tân Hoa Xã công bố là 5,7 tỷ Mỹ kim từ 1994 đến 2008, hơn 20% tổng số đầu tư trực tiếp ngoại quốc FDI. Tổng số viện trợ của quốc tế năm 2008 là 951,5 triệu Mỹ kim, một mình Trung Quốc đã chi 257 triệu.[28]

Lại cũng vậy, đầu tư của Trung Quốc đổ vào thủy điện, hầm mỏ, lâm sản, thăm dò dầu khí, cầu cống, đường sá, chế biến nông phẩm. Công ty Trung Quốc là những tay đầu tư chủ yếu ở đặc khu kinh tế mới phía nam cảng Sihanoukville. Cuối 2008, Trung Quốc tuyên bố sẽ tài trợ xây dựng một đường rầy xe lửa trị giá 5 triệu Mỹ kim nối Phnom Penh với Việt Nam. Tình cờ chăng, Trung Quốc vừa hứa giúp trang thiết bị và kỹ sư để xây đường vào tận rừng rậm phía bắc Siem Reap thì lập tức các công ty lớn của Trung Quốc đâm đơn khai thác quặng sắt nghe nói là đầy hứa hẹn tại đấy. Ai đi qua thủ đô xứ ấy xin dừng chân trên đại lộ Mao Trạch Đông để ngắm nghía đại sứ quán Trung Quốc xây mới toanh, uy nghi và hoành tráng.[29]

Vắt cho bằng hết nguyên liệu, Trung Quốc cũng thúc Campuchia vắt kiệt môi trường, đất đai. Ví dụ điển hình là quyết định năm 2004 của chính phủ Campuchia nhượng cho tập đoàn bản xứ Pheapimex và đối tác tổ hợp Trung Quốc Wuzhishan đặc quyền khai thác 10.000 hecta đất tại tỉnh Mondulkiri để trồng thông. Căng thẳng giữa một bên là công ty Trung Quốc liên tục tìm cách lấn chiếm thêm đất đai một cách bất hợp pháp và bên kia là dân chúng Campuchia cô thế tìm mọi cách để bảo vệ nhà cửa và môi trường sống của mình, dẫn đến tranh chấp, chống đối rồi đàn áp.[30] Một đặc nhượng đất đai lớn khác, khoảng 3000 hecta, tọa lạc trong một vùng ưu đãi, dường như vừa được cấp cho công ty xây dựng Trung Quốc YeejiaTourism Development: “Hun Sen rõ ràng muốn được có và được thực hiện những dự án Trung Quốc”.[31] Nói như nhiều người thường tố cáo ông rằng Hun Sen “chiều lụy Trung Quốc” hơi nhiều![32]

Nhưng đại công trình đáng để ý nhất của Trung Quốc ở Campuchia là việc ngăn nước sông Mêkông xây đập thủy điện. Tôi mượn một câu tả tình tả cảnh của một quan sát viên để hiểu vấn đề của người dân, ở đây là anh nông dân Phorn: “Vạch cỏ qua một bên, Phorn chỉ vào tảng đá dựng lên để làm dấu. “Công nhân Trung Quốc đến đây và đặt tảng đá ở đấy”. Vài thước trước mặt, nước sông Mêkông rộng lớn nhuộm bùn xoáy trôi. Hỏi anh ta có biết tảng đá ấy dùng để làm gì không, anh gật đầu, chỉ tay vào lòng sông: “Người Trung Quốc muốn xây một cái đập ở đấy””.[33]

Nếu đập được xây thì sao? Thì cái nhà của anh nông dân và cả cái làng nghèo ấy sẽ biến mất dưới cái hồ khổng lồ do cái đập tạo nên. Trung Quốc, theo lời tường thuật của quan sát viên ấy, đang “thúc đẩy một cách xâm lược” việc xây dựng hàng loạt các đập thủy điện ở Căm puchia, nhiều đập dọc theo sông Mêkông. Ở thượng nguồn, ai cũng biết, Trung Quốc đã xây một chuỗi đập, thay đổi lưu lượng của sông, gây tác hại cho các nước ở hạ nguồn về sinh thái, về môi trường, về nguồn cá, về lũ lụt, về mất rừng bảo hộ. Trên 80% của số dân 70 triệu trong vùng sống nhờ sông Mêkông, đông nhất là ở Campuchia và miền nam Việt Nam. Nhưng mà này, anh Phorn, dân Vân Nam và Tứ Xuyên chúng tôi cũng đông vậy, và chênh lệch giàu nghèo giữa các tỉnh ấy với các tỉnh duyên hải phía đông chẳng phải là nguy hiểm cho ổn định xã hội của Trung Quốc hay sao? Cho nên ở đâu xây đập được là ta cứ xây, ở thượng nguồn thì đem lợi ích cho Vân Nam, ở hạ nguồn thì phát triển kinh tế cho hàng xóm nghèo, đại công tác vi quý, môi trường thứ chi, xã hội vi khinh.

Vấn đề là con cá sống nhờ nước và dân Campuchia sống nhờ con cá. Con cá không có lụt dâng đúng chu kỳ mỗi năm để vào đẻ thì dân Campuchia ăn cái gì? Chuyện thượng nguồn là chuyện của chính phủ, chính phủ im miệng thì dân cũng đành chịu thua. Nhưng chuyện hạ nguồn thì chạm thẳng vào mặt của dân, cho nên đập nào xây cũng gây lộn xộn. Mà đã lộn xộn thì dân chúng đổ bất bình vào mặt công nhân Trung Quốc. Như ở Nam Mỹ. Như ở Phi châu. Như ở Algerie. Có điều là khác ngày xưa, ngày nay  Trung Quốc bắt đầu bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài: tháng 4-2006, chính phủ Bắc Kinh dùng máy bay chở hơn ba trăm công nhân bị dân chúng đảo Solomon, giữa Thái Bình Dương, nổi loạn tấn công, dấy lên một cao trào bài Hoa bạo động. Ngày nay, không phải như ngày xưa, di dân Trung Quốc biết mình được bảo vệ, lại hãnh diện là công dân của đại cường, tiền nhiều, sức mấy mà họ nhũn. Vả chăng, việc gì mà nhũn? Hòa nhập kinh tế chẳng phải là cái hướng anh em chúng ta đều cùng nhắm đến và cùng bước tới đó sao? Kìa xem Âu châu: tư tưởng tự do qua lại, hàng hóa tự do qua lại, dân chúng tự do qua lại. Thì ta cũng vậy: hàng hàng qua lại, người người lại qua!

Có tiền, mua được cả lịch sử. Vừa mới đây thôi, Hun Sen coi Trung Quốc là kẻ thù đáng tởm. Bây giờ, năm 2006, đặt chân lên Bắc Kinh thăm viếng chính thức, cũng Hun Sen ấy tuyên bố trước Ôn Gia Bảo: “Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia”. Hai bên đang tin cậy lẫn nhau, vợ Hun Sen là gốc Hoa, vợ phó thủ tướng Sok An là gốc Hoa, quyền lực kinh tế của Hun Sen dựa trên một nhóm tài phiệt Hoa - Khmer thường có nhăng nhện thông gia với cấp cao của chế độ. Bây giờ, húp tiền cũng như húp cháo lú, húp vào quên hết quá khứ. Chuyện hôm qua cho nó qua, chuyện hôm nay chúng em là những đối tác ưu đãi của người bạn lớn. 

Win-win! Hỏi người dân Phi châu ở những nước bị cấm vận, tham nhũng số một, độc tài số một, vơ vét số một, tàn phá môi trường số một, hỏi họ Trung Quốc có thành công không, họ trả lời: thành công số một. Hỏi họ thế thì họ có win không, họ trả lời: người khác win. Câu đó, tôi chỉ chép lại từ sách vở đứng đắn.[34]

 

Di dân, văn hóa, sức mạnh mềm

 Các anh chị thân mến, tôi đã nhắc lui nhắc tới nhiều lần, bây giờ xin nhắc thêm lần nữa: di dân kiểu mới là một bộ phận của “sức mạnh mềm”. Chỉ mới vài năm thôi mà ngày nay khái niệm ấy đã đi vào ngữ ngôn rộng rãi, lại đã được Bắc Kinh chính thức tiếp thu, chính thức bàn luận, chính thức đưa vào thực tế. Họ bàn luận với nhau: đâu là cái lõi của sức mạnh mềm? Lãnh đạo khuyến khích giới học thuật góp ý, và giới học thuật hồ hởi góp ý. Hai trường phái hẳn hoi - chứ không phải một - tranh cãi nhau, một bên cho rằng cái lõi ấy là văn hóa, bên kia thì nói đó là chính trị. Lãnh đạo nghe ý kiến đôi bên, rồi quyết: cái lõi ấy là văn hóa, “văn hóa nhuyễn thực lực”.

Trong một bài diễn văn nội bộ đọc vào tháng giêng 2006 trước một nhóm chóp bu về ngoại giao - “trung ương ngoại sự công tác lãnh đạo tiểu tổ” - Hồ Cẩm Đào tuyên bố: “Việc phát huy vị thế và nhân rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế phải được biểu lộ bằng cả hai sức mạnh cứng, gồm kinh tế, khoa học, công nghệ, quân sự, và sức mạnh mềm như là văn hóa”.[35]  Sau đó, tại đại hội đảng lần thứ 17, họp vào tháng 10 năm 2007, ông nói rõ thêm: “Văn hóa càng ngày càng trở thành một nguồn quan trọng của đoàn kết dân tộc và của sức sáng tạo, và một yếu tố quan trọng trong cạnh tranh về toàn thể lực lượng quốc gia”.[36] Cái sức mạnh mềm văn hóa ấy, cái wenhua ruan shili ấy, ông nói, Trung Quốc phải phát huy.

Lệnh ban ra, pháo bông văn hóa Trung Quốc nổ rực trên khắp bầu trời thế giới: hơn 40 Viện Khổng Tử được dựng lên khắp nước Mỹ, 260 Viện trên 75 nước khác, nào “Năm Trung Quốc”, nào “Tuần Văn Hóa Trung Quốc”, nào “Thành Phố Huynh Đệ”, nào lễ hội, nào trao đổi sinh viên, nào học bổng, dạy Hoa ngữ, phim, ảnh, sách, nhạc, triển lãm lịch sử, biểu diễn võ thuật, nào tiền bạc tài trợ - ngân sách dành cho hoạt động văn hóa năm 2006 tăng 23,9%  so với năm 2005, đạt đến mức 12,3 tỷ nhân dân tệ tương đương với khoảng gần 2 tỷ đô la Mỹ vào thời giá lúc đó - khắp nơi, từ Nam Mỹ đến Trung Đông, Phi châu, chương trình khuếch trương văn hóa 5 năm, biểu quyết năm 2006, thắp sáng văn hóa Trung Quốc trên hoàn vũ. Chương trình 5 năm ấy dành nguyên một chương cho chiến lược “bung ra toàn cầu”, khuyến khích báo chí, truyền thông, xí nghiệp văn hóa “khuếch đại thông tin, bình luận về văn hóa và ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trên quốc tế”, bởi vì sức mạnh mềm nơi văn hóa của một nước không phải chỉ tùy thuộc vào sức hấp dẫn mà thôi, mà còn ở chỗ “có hay không được hậu thuẫn bằng những phương pháp và khả năng tuyên truyền mạnh mẽ”.[37]

Trung Đông, Nam Mỹ, Phi châu đều có tôn giáo riêng, tập tục riêng của họ, văn hóa Trung Quốc có truyền vào cũng chỉ trang điểm phấn son cho dung mạo kinh tế, chính trị, quân sự hoặc đeo đôi găng nhung lụa cho hai bàn tay vơ vét năng lượng, bòn rút mỏ dầu. Trái lại, đối với các nước kề cận, hoặc đã chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc từ bao nhiêu đời, hoặc đang chứa một số lượng người Trung Quốc quá đông, câu chuyện sẽ khác: sức mạnh mềm văn hóa ấy mềm như con tằm đang hẩu xực lá dâu. Cả hai tầng lớp trong xã hội đều bú mớm thứ văn hóa ấy: tầng lớp “thượng lưu”, trẻ, có học, bú phim ảnh, sách báo, ngôn ngữ, trường học; tầng lớp quần chúng nhuộm dần dần cái đầu để chung đụng hàng ngày trong những “xóm mới” càng ngày càng biến thành xóm Hoa. Sức mạnh? Chiến tranh? Đâu cần! Súng chưa kịp nổ, dân đã mất rồi.

Và như vậy, tôi trở lui với ông tác giả Barry Buzan thân mến đã nói trong những trang đầu. Ông này bảo, các anh chị còn nhớ: an ninh ngày nay chủ yếu là an ninh xã hội và xã hội được định nghĩa là bản sắc. Bản sắc là gì? Ông nói: là văn hóa.

 

Tôi có thể chấm dứt ở đây nếu các anh chị không phản đối rằng tôi đã lạc đề, nói nhăng nói cuội đâu đâu, chờ mãi chẳng thấy chữ nào động đến đề tài “Nhìn lại Việt Nam 2008” của Hội Thảo Hè năm 2009 này.* Nếu các anh chị phản đối như vậy thì tôi đành xin phép gắng gượng đọc thêm vài câu thôi, vài câu tóm tắt sau đây trong một bài tường thuật đăng trên mạng Tuổi TrẻLao Động ngày 16-4-2009 :

Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam. Hàng chục ngàn lao động nước ngoài đang làm việc ở Việt Nam nhưng chưa được cấp phép lao động. Phần lớn trong số họ đều là lao động phổ thông, không có tay nghề. Ngoài những công việc làm ôsin, buôn bán nhỏ, đông nhất trong số họ là đi theo các nhà thầu, phần lớn là nhà thầu Trung Quốc. Nhiều nơi như ở công trình khai thác bôxit ở Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng), nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, nhà máy nhiệt điện than Hải Phòng, công trình khí-điện-đạm Cà Mau… số lao động Trung Quốc luôn áp đảo lao động trong nước, với số lượng mỗi nơi từ 700 đến trên 2000 người/công trình”.

Bài tường thuật khá dài, xin anh chị đọc và nghiên cứu thêm trong phần phụ lục; đọc ở đây, với cái kiểu nghiên cứu trữ tình này của tôi, e chúng ta sẽ thành những Giang châu tư mã tuốt.

* Bài này được đọc tại Hội thảo Hè (2009) “Nhìn lại Việt Nam 2008”, tại Paris

Cao Huy Thuần
Giáo sư Emeritus
Đại học Picardie (Pháp)

PHỤ LỤC

 

1. “Lao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam” (Tuổi Trẻ)

http://www.google.fr/search?hl=fr&q=lao+%C4%91%E1%BB%99ng+ph%E1%BB%95+th%C3%B4ng+n%C6%B0%E1%BB%9Bc+ngo%C3%A0i+%C4%91%E1%BB%95+v%C3%A0o+vi%E1%BB%87t+nam&btnG=Recherche+Google&meta=&aq=f&oq=

2. “Chinese labor straining neighborly ties” (Asia Times) http://www.atimes.com/atimes/Southeast_Asia/KG11Ae01.html

3. Tóm tắt và bình luận bài báo trong Asia Times của đài BBC: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/07/090710_chineseworkers.shtml

 

Chú thích
 

[1] Ole Waever, Barry Buzan, Mortel Kelstrup & Pierre Lemaitre: Identity, Migration and the New Security Agenda in Europe, London, Pinter, 1993, tr. 21.

[2] Như trên, tr. 6.

[3] Như trên, tr. 23.

[4] Joshua Kurlantzick, Charm Offensive. How China's Soft Power is transforming the World, Yale University Press, 2007, trang 104. Có thể đọc trên mạng: http://books.google.fr/books?id=RXtJw1OHDTIC&dq=joshua+kurlantzick+charm+offensive&printsec=frontcover&source=bn&hl=fr&ei=ZqRQSoTeFuKfjAeq_MGnBQ&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=4

[5] Le Monde 7-8-2009.

[6] Chinese Soft Power and It's Implications for the United States, Center for Strategic and International Studies, Washington DC, 2009, trang 47.

[7] như trên, trang 99.

[8] Như trên, trang 30.

[9] Con số 23 triệu là do Sở thống kê quốc gia đưa ra. Con số này chưa tính đến số nông dân đã mất việc làm ở thành phố từ tháng 12-2008. Xem Le Monde 29-7-2009 (bài “Le lynchage d'un cadre, symtôme d'une économie chinoise malade”). Có chỗ nói con số đó là 26 triệu (Le Monde 16-4-2009, mục Entretien, trang 18).

[10] Như trên (chú thích 8 và 9) trang 74.

[11]Kurlantzick, đã dn, trang 106.

[12] Marie-Béatrice Baudet et Laetitia Clavreul, Les terres agricoles, de plus en plus convoitées, Le Monde 15-4-2009.

[13]Le Monde 21-4-2009 (bài viết nhan đề: “Après une offensive secrète au Kazakhstan, la Chine lorgne les terres russes inexploitées”).

[15] Bertil Lintner, China Ascendant, Part 1, Global Politician, 29-4-2008. http://www.globalpolitician.com/24617-china

[16] Kurtlantzick, trang 105.

[17] Bertil Lintner, đã dẫn.

[18]Kurtlantzick, trang 105-106.

[19] Le Monde đã dn, 19-12-2008.

[20] Bronson Percival, The Dragon Looks South. China and Southeast Asia in the New Century, Greenwood Publishing Group. 2007, trang 40. Có thể đọc trên mạng: http://books.google.fr/books?id=ihCCU-2EQHIC&dq=bronson+percival&printsec=frontcover&source=bl&ots=Z3t65J0g_K&sig=2lucFCUwLjS_hmWDetBWLyC09tE&hl=fr&ei=hq9QSsykI5fLjAeouYyqBQ&sa=X&oi=book_result&ct=result&resnum=6

[21] Min Lwin, The Chinese Road to Mandalay, The Irrawaddy, march-april 2009, vol. 17. n° 2.

[22] Như trên.

[23] Laurent Amelot: La compétition énergétique indo-chinoise en Birmanie, Stratégique, n° 70-71. Có thể đọc trên mạng: www.strategiesinternational.com/19_11.pdf

[24]Zhuang guotu & Wang wangbo, Migration and Trade: The Role of Overseas Chinese and Economic Relations between China and Southeast Asia - International Conference on “China's Future: Pitfalls, Prospects and the Implications for ASEAN and the World”, University of Malaysia, Institute of China Studies, 5-6 May 2009, http://ccm.um.edu.my/umweb/ics/may2009/wangwb.pdf

[25]Bronson Percival, đã dn, trang 40.

[26] Zhuang  & Wang đã dn

[27] Guy Lubeigt, La nouvelle poussée chinoise en Birmanie: immigration traditionnelle ou stratégie de conquête, http://www.reseau-asie.com/cgi-bin/prog/pform.cgi?langue=fr&Mcenter=colloque&TypeListe=showdoc&ID_document=240

[28]China's Cambodian Hegemony, The Diplomat, May-June 2009.

[29] Như trên.

[30]Như trên.

[31]Ces nouveaux migrants chinois d'Asie du Sud-Est, Le Monde 19-12-2008.

[32] Heike Baumüller, Can China Save Cambodia from the Global Economic Crisis? Heinrich Böll Stiftung, 1-4-2009. http://www.boell.de/wirtschaftsoziales/wirtschaft-6452.html

[33] China's Cambodian Hegemony, The Diplomat, May-June 2009.

[34]Chinese Soft Power… đã dẫn, trang 31.

[35]Như trên, trang 15-16.

[36] Như trên, trang 16

[37]Như trên, trang 16

 

 

 

© Thời Đại Mới

 

 

15-11-09